Yến Bùi và Phạm Triết - I Dream That I Am Not
Chuyên đề, Sách ảnh
Trong Tôi Mơ Tôi Không Là, cuộc sống diễn ra ở nơi khác. Tận dụng những ranh giới mơ hồ của việc tái hiện sự thật có sẵn trong bản chất nhiếp ảnh, bộ đôi Hoàng Yến và Phạm Triết khám phá tính bất diệt của hiện thực thế giới mơ. Tại điểm nào giấc mơ ngừng tồn tại ở dạng tiềm thức và bắt đầu chuyển mình thành hiện thực sự sống?
Khung ảnh cận kề đôi mắt của Hoàng Yến mở đầu cuốn sách, gợi mở ánh nhìn đồng cảm dõi theo hình bóng người áo xanh không rõ danh phận. Những căn nhà uy nghiêm nhưng đơn côi giữa bạt ngàn vô tận như màn hình máy vi tính đầu thập niên 2000 ngỡ như điểm đến mong ước của họ: mở đầu của một hiện thực song song.
Các trang sách gợi mở những hiếu kỳ ngây ngô thơ trẻ về xuất phát điểm của chiều không - thời gian và muôn loài sinh sống nơi đó. Những khung hình của cành cây, thân, ngọn, gốc, rễ tự tại ở những chốn nửa thật nửa ảo như thể cặp tác giả đối diện thực thể Socrate của chúng tại ngày sáng thế. Thế mà nơi đây, họ tìm thấy cái hố đỏ ngòm như Khải Huyền nuốt chửng tòa chung cư phai màu hay những xác lợn hai đầu vất vưởng sau cánh cổng đền giữa hư - thực. Trong lời đề tác phẩm, cặp tác giả viết: “Có thể coi Tôi Mơ Tôi Không Là là sự cố gắng để tạo dựng lại những lần mơ đơn giản nhưng mãi sẽ không thực hiện được. Mơ mình không là mình, mơ mình là cái cây, là cái đó, cái kia. Là không là. Mơ mình không ở đây.”
Dẫu những trang sách chứa đầy nỗi mơ hồ về cái nhân tạo được sắp đặt trên trái đất hay gợi mở về máu và vũ lực, Hoàng Yến và Phạm Triết ghen tị với cái bình yên vô sự của thiên nhiên cỏ cây chốn vô định. Họ không phải là một cái cây hay một ngọn cỏ biệt độc, mà là định nghĩa của cỏ cây từ cổ chí kim muôn nơi khắp chốn. Những mô típ cây lá qua trang sách tái tạo nhận thức của người xem về góc nhìn của tác giả đối với thế giới mơ này, và chồng ảnh dần trở thành những mặt gương phản chiếu bản thân chúng ta - những người xem.Trong Tôi Mơ Tôi Không Là, ta khám phá nỗi sợ bắt nguồn từ mong ước có được sức sống sáng tạo giữa cái thoái trào của xã hội cận tư bản - một nỗi sợ chung của chính khán giả và nghệ sĩ. Cặp tác giả thừa nhận cuốn sách được thực hiện khi cả hai mắc kẹt trong những công việc chưa thỏa đáng, trong một đô thị đắt đỏ khó thể tiết kiệm dư giả gì, đặc biệt với những người trẻ mong muốn làm nghệ thuật nhưng bị cho là không nuôi dưỡng một xã hội còn nhiều khó khăn. Tất cả được phản ánh trong từng cặp ảnh in, những mép giấy cắt chưa sát vào viền ảnh, các trang sách xếp lệch khi được đóng gáy, lựa chọn giấy,… góp phần vào trải nghiệm chất chứa trong Tôi Mơ Tôi Không Là. Cuốn sách nên được nhìn nhận hơn chỉ là nơi cất chứa những lát cắt khoảnh khắc được sắp đặt ngẫu nhiên, mà là một tác phẩm không thể bị tách rời khỏi hoàn cảnh xuất bản, thậm chí còn quan trọng hơn hoàn cảnh chính lúc những ảnh đã được chụp trong sách. Trong giai đoạn nhiếp ảnh đương đại Việt Nam bước dần khỏi trào lưu hậu hiện đại, Tôi Mơ Tôi Không Là đại diện cho tinh thần tự lực, tự cường đầy phóng khoáng của một thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh mới, vượt qua tính hoàn mỹ trịnh trọng để sử dụng nhiếp ảnh như một loại hình ngôn ngữ mới mẻ, giàu cảm xúc.
Instagram: Yến Bùi / Phạm Triết